#7 nguyên nhân trẻ khóc đêm không phải mẹ nào cũng biết

Nguyên nhân trẻ khóc đêm khá đa dạng khiến các bậc cha mẹ luôn đau đầu đi tìm câu trả lời. Sau đây là 7 lý do siêu đơn giản mà cha mẹ cần nghĩ tới ngay khi thấy con khóc vào ban đêm.

Tại sao trẻ hay khóc đêm?
Tại sao trẻ hay khóc đêm?

7 nguyên nhân trẻ khóc đêm và cách xoa dịu nước mắt cho con

1. Đói bụng

Đây là nguyên nhân đầu tiên mà bất kỳ bậc cha mẹ nào đều nghĩ tới khi thấy trẻ khóc đêm. Ai cũng đều dễ cáu giận khi đói, đặc biệt là trẻ sơ sinh. Chúng có thể thay đối trạng thái rất nhanh chỉ trong một thời gian ngắn: từ vui vẻ, im lặng đến la hét, khóc thật to. Bạn có thể nghe thấy tiếng khóc với lời nhắn nhủ “Hãy cho con ăn!” lặp đi lặp lại và thường ngắn, âm lượng khá to. 

Chìa khóa để giải quyết vấn đề này không phải là nhìn đồng hồ xem đến giờ cho con ăn chưa mà là quan sát các tín hiệu của trẻ. Bác sĩ Paul Horowitz (phòng khám Nhi khoa Discovery Pediatrics, California) cho biết: “Tiếng khóc là dấu hiệu muộn của cơn đói đối với trẻ sơ sinh. Để ngăn chặn tình trạng trẻ khóc vì đói, cha mẹ nên chú ý các dấu hiệu ban đầu cho thấy trẻ muốn bú sữa như bặm môi, mút tay, rướn người, quay đầu tìm vú mẹ hoặc bình sữa…”

2. Buồn ngủ

Đối với người lớn, chúng ta có thể ngủ ngay khi đặt lưng xuống giường. Nhưng điều này không nhất thiết đúng với trẻ sơ sinh. Ngủ là một kỹ năng cần học hỏi đối với trẻ. Theo các chuyên gia Nhi khoa, trẻ sơ sinh chưa có nhịp sinh học ổn đinh đến 4 tháng tuổi. Và khi đứa trẻ đang khóc, cha mẹ nên xoa dịu những căng thẳng của chúng. Để giúp trẻ bớt khóc đêm, cha mẹ có thể thực hiện một số cách giúp xoa dịu bé như mát xa cho trẻ trước khi ngủ, quấn khăn, hát ru hoặc sử dụng tiếng ồn trắng. 

Trong một số trường hợp, với mong muốn con ngủ ngon hơn vào ban đêm, cha mẹ đã rút ngắn thời gian giấc ngủ ban ngày của trẻ. Tuy nhiên, điều này có thể mang tới phản ứng ngược lại. Nếu bé cảm thấy mệt mỏi thì sẽ càng khó ngủ ngon hơn. Bởi vậy, bác sĩ Paul Horowitz nhấn mạnh: “Cha mẹ hãy để trẻ ngủ nếu con buồn ngủ”.

3. Tã bỉm ướt hoặc bẩn

Nhiệm vụ của tã, bỉm là giúp trẻ cảm thấy khô thoáng và có giấc ngủ ngon vào ban đêm. Tuy nhiên, mỗi chiếc tã hoặc bỉm chỉ chứa được một lượng nước tiểu nhất định. Khi đã “quá tải”, tã, bỉm sẽ không thấm hút tốt. Lúc này, trẻ sẽ cảm thấy ẩm ướt, khó chịu và dễ bị kích ứng da. Điều này chính là nguyên nhân trẻ khóc đêm thường gặp và nhắn nhủ cha mẹ hãy thay bỉm cho con.

Bởi vậy, ngay khi trẻ thức giấc và quấy khóc, cha mẹ nên kiểm tra xem tã bỉm của con có bị ướt hoặc bẩn không để thay kịp thời. Lưu ý, nên thay bỉm cho trẻ xong rồi cho trẻ bú no bụng để có một giấc ngủ ngon. Nếu thay tã bỉm khi trẻ đang ngủ say thì cần thực hiện nhẹ nhàng và nhanh gọn để tránh khiến con thức giấc.

4. Có rắc rối về hệ tiêu hóa

Rắc rối về hệ tiêu hóa là một trong những nguyên nhân trẻ khóc đêm
Rắc rối về hệ tiêu hóa là một trong những nguyên nhân trẻ khóc đêm

Trẻ thức dậy giữa đêm và khóc không ngừng kèm theo các biểu hiện như ưỡn lưng, quay người… Đó có thể là dấu hiệu nhận biết về tình trạng đầy hơi, chướng bụng ở trẻ sơ sinh. Nếu trẻ khóc ngay sau khi bú thì có thể bé cần được ợ hơi. Hẳn ai cũng nhớ cho trẻ ợ hơi sau khi bú nhưng có một số thời điểm khác cũng cần lưu ý như sau lúc ngậm ti giả, bị nấc hoặc khóc. Tất cả những hoạt động này đều có thể khiến trẻ nuốt phải không khí và cần ợ hơi. Đây cũng là một trong những đáp án cho câu hỏi “vì sao trẻ sơ sinh hay khóc đêm”.

Thay vì vỗ lưng trẻ, cha mẹ nên bế con qua vai và xoa theo vòng tròn bắt đầu từ bên hông rồi hướng lên trên. Chỉ sau một thời gian ngắn, trẻ sẽ cảm thấy dễ chịu và hết quấy khóc.

5. Trẻ bị kích thích quá mức

Những hoạt động ban ngày đều có ảnh hưởng tới tâm lý của trẻ. Nếu trẻ hoạt động nô đùa quá mức, tham gia bữa tiệc gia đình… thì hãy nhớ rằng con bạn vẫn đang quen với tất cả sự náo nhiệt ấy và có thể ảnh hưởng tới giấc ngủ sau đó. 

Bởi vậy, trước giờ đi ngủ, cha mẹ nên bế trẻ đi dạo và tận hưởng không gian yên tĩnh, quen thuộc. Nhờ vậy, trẻ sẽ có một giấc ngủ ngon và hạn chế được tình trạng giật mình, quấy khóc đêm.

6. Trẻ mắc bệnh

Nếu trẻ đang gặp rắc rối về sức khỏe, bạn sẽ thấy con khóc nhiều hơn bình thường và đây cũng là nguyên nhân trẻ hay khóc đêm. Hầu hết các bậc cha mẹ đều nhận biết được tiếng khóc bình thường của trẻ. Nếu thấy con khóc không ngừng, khóc nhiều và lâu hơn bình thường thì có thể trẻ đang ốm. Đồng thời, nếu tình trạng khóc dai dẳng kèm theo các triệu chứng khác như sốt, nôn mửa, không tăng cân… thì bạn nên đưa trẻ tới gặp bác sĩ để kiểm tra sức khỏe của con.

7. Trẻ muốn được quan tâm

Đôi khi, trẻ khóc đêm không rõ nguyên nhân, không vì bất kỳ khó chịu nào trong người mà chỉ bởi con muốn được chú ý! Trẻ sẽ cảm thấy hạnh phúc và bình an nhất khi ở bên cha mẹ. Vì vậy, khi bất chợt tỉnh giấc, thấy mình nằm một mình trong nôi giữa màn đêm, trẻ sẽ cảm thấy sợ hãi và cần tới sự ôm ấp, vỗ về, an ủi của cha mẹ.

Nguyên nhân trẻ khóc đêm còn rất nhiều phụ thuộc vào sức khỏe, tính cách và môi trường trẻ sinh sống. Do đó, cha mẹ hãy quan sát thật kỹ mọi biểu hiện của con để hiểu tại sao trẻ khóc đêm, trẻ mong muốn gì và đáp ứng càng sớm càng tốt. Trong trường hợp trẻ có biểu hiện bệnh lý thì cần đi thăm khám và điều trị đúng cách. Chúc các bé yêu luôn ngủ tròn giấc để phát triển tốt nhất nhé!